Câu hỏi:
Tôi có đặt mua
01 chiếc đồng hồ, trị giá tại website mua hàng là 179.99USD mua tại đợt Black
Friday giá là 69.99 USD, phí ship được miễn vì đã đủ giá trị hóa đơn tối thiểu
do người bán quy định. Giá tại invoice người bán kẹp cùng hàng hóa chỉ thể hiện
giá trị hàng hóa là 69.99 USD, giá thanh toán qua thẻ visa là 69.99 USD.
Tôi được biết
căn cứ tính thuế tại Thông tư 39/2015/TT-BTC là hóa đơn mua hàng (invoice,
bill) và hợp đồng mua hàng, chứng từ chứng minh số tiền tôi thực trả cho phía
người bán.
Vậy cho tôi hỏi
mức thuế nhập khẩu hàng hóa, thuế giá trị gia tăng tôi cần khai báo là bao
nhiêu và tôi sẽ phải chịu mức thuế theo giá nào?
Trả lời:
Trả lời câu hỏi
của bạn đọc, Bộ phận tư vấn của Ban Biên tập có ý kiến trao đổi như sau:
- Theo quy định
tại Điều 5 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH11 ngày 06/4/2016
thì:
“Số tiền thuế xuất
khẩu, thuế nhập khẩu được xác định căn cứ vào trị giá tính thuế và thuế suất
theo tỷ lệ phần trăm (%) của từng mặt hàng tại thời điểm tính thuế.
Thuế suất đối với
hàng hóa nhập khẩu gồm thuế suất ưu đãi, thuế suất ưu đãi đặc biệt, thuế suất
thông thường và được áp dụng như sau:
a) Thuế suất ưu
đãi áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng
lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam;
hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước đáp ứng Điều
kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc
trong quan hệ thương mại với Việt Nam;
b) Thuế suất ưu
đãi đặc biệt áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước
hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu trong quan hệ
thương mại với Việt Nam; hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường
trong nước đáp ứng Điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có
thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu trong quan hệ thương mại với Việt
Nam;
c) Thuế suất
thông thường áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu không thuộc các trường hợp quy
định tại Điểm a và Điểm b Khoản này. Thuế suất thông thường được quy định bằng
150% thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng. Trường hợp mức thuế suất ưu
đãi bằng 0%. Thủ tướng Chính phủ căn cứ quy định tại Điều 10 của Luật này để
quyết định việc áp dụng mức thuế suất thông thường”.
- Theo quy định
tại Điều 8 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH11 ngày 06/4/2016
thì: Trị giá tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là trị giá hải quan theo quy định
của Luật hải quan. Thời điểm tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là thời điểm
đăng ký tờ khai hải quan.
- Theo quy định
tại khoản 2 Điều 29 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính Phủ
thì: “Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có trị giá hải quan
từ 1.000.000 đồng Việt Nam trở xuống hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới 100.000
đồng Việt Nam được miễn thuế.
Trường hợp hàng
hóa có trị giá hải quan vượt quá 1.000.000 đồng Việt Nam hoặc có tổng số tiền
thuế phải nộp trên 100.000 đồng Việt Nam thì phải nộp thuế đối với toàn bộ lô
hàng”.
- Căn cứ Điều 2
Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 quy định đối tượng chịu thuế giá trị
gia tăng (GTGT): “Đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất,
kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức,
cá nhân ở nước ngoài), trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT hướng dẫn tại Điều
4 Thông tư này”.
- Theo quy định
tại Điều 5 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi bổ sung tại
khoản 4 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 quy định về trị giá hải
quan đối với hàng hóa nhập khẩu thì: “a) Trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu
là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên được xác định bằng cách
áp dụng tuần tự các phương pháp từ điểm a đến điểm e khoản 2 Điều này và dừng lại
ở phương pháp xác định được trị giá hải quan”.
- Theo quy định
tại khoản 3 Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 thì: “Đối với
hàng hóa nhập khẩu là giá nhập tại cửa khẩu cộng (+) với thuế nhập khẩu (nếu
có), cộng (+) với thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), cộng (+) với thuế bảo vệ môi
trường (nếu có). Giá nhập tại cửa khẩu được xác định theo quy định về giá tính
thuế hàng nhập khẩu”.
- Theo quy định
tại khoản 5 Điều 17 Thông tư số 39/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản
9 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 thì: “Hàng hóa nhập khẩu
không có hợp đồng mua bán hàng hóa và hóa đơn thương mại; hàng hóa nhập khẩu được
vận chuyển đến Việt Nam bằng dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh, không có hợp
đồng mua bán và hóa đơn thương mại, trị giá hải quan là trị giá khai báo. Trường
hợp cơ quan hải quan có căn cứ xác định trị giá khai báo không phù hợp thì xác
định trị giá hải quan theo phương pháp xác định trị giá quy định tại Thông tư
này, phù hợp với thực tế hàng hóa nhập khẩu”.
- Căn cứ Thông
tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/1/2015, Thông tư số 65/2018/TT-BTC ngày 27/6/2017
của Bộ Tài chính về Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để xác định mặt hàng
đồng hồ tại Chương 91, xác định mã số hàng hóa theo hàng thực tế nhập khẩu và đối
chiếu với mức thuế suất tương ứng theo quy định tại nghị định số 125/2017/NĐ-CP
của Chính phủ.
Đề nghị bạn đọc
nghiên cứu các quy định nêu trên để thực hiện. Trường hợp có vướng mắc, bạn đọc
liên hệ với cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan để được hướng dẫn cụ thể.
Câu hỏi và trả lời
được trích từ website của Tổng cục Hải quan:
"https://www.customs.gov.vn/".